Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Huy động quân đội bảo vệ tê giác ở Nam Phi

Huy động quân đội bảo vệ tê giác ở Nam Phi

Bộ trưởng Tư pháp Nam Phi hôm qua thông báo sẽ triển khai thêm vài trăm binh sĩ tại biên giới để trấn áp các tổ chức tội phạm buôn bán sừng tê giác.
Số tê giác bị giết lên tới mức kỷ lục
Hai người Việt đi tù vì sừng tê giác

Binh sĩ Nam Phi diễn tập chống bọn săn trộm tê giác trong công viên quốc gia Kruger. Ảnh:bushwarriors.org.
“Chúng tôi sẽ điều động thêm 4 tiểu đoàn tới khu vực biên giới Zimbabwe, Swaziland và Lesotho trước tháng 4 năm nay. Mỗi tiểu đoàn có 150 binh sĩ”, AFPdẫn lời ông Jeff Jadebe, Bộ trưởng Tư pháp Nam Phi.
Trước đó Nam Phi đã phái ba tiểu đoàn tới biên giới để bảo vệ tê giác. Ông Jadebe nói thêm rằng các kỹ sư quân đội cũng sẽ được đưa vào biên chế của các tiểu đoàn. Nhiệm vụ của họ là sửa chữa và bảo dưỡng các hàng rào ở biên giới có tổng chiều dài khoảng 140 km.
Hồi tháng 4 năm ngoái Nam Phi đưa những binh sĩ đầu tiên tới biên giới Mozambique để ngăn chặn hoạt động vận chuyển sừng và các bộ phận khác của tê giác. Hàng chục binh sĩ trong số đó đồn trú trong công viên quốc gia Kruger – một khu bảo tồn nổi tiếng thế giới và thu hút nhiều khách du lịch của Nam Phi. Công viên quốc gia Kruger cũng là điểm đến đầy hứa hẹn của những kẻ săn tê giác.
Nhiều vụ đụng độ đẫm máu giữa binh lính và những kẻ săn trộm đã xảy ra, song nạn săn bắt tê giác vẫn tiếp diễn. 448 tê giác bị giết tại Nam Phi trong năm ngoái. Hơn một nửa số đó sống trong công viên quốc gia Kruger. Tổng số tê giác Nam Phi bị giết trong năm 2007 chỉ là 13.
Nhu cầu mua sừng tê giác để chữa bệnh tại châu Á – đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam – tăng mạnh trong mấy năm qua. Một bộ phận người dân châu Á tin rằng sừng tê giác có thể chữa ung thư và một số bệnh nan y khác. Tuy nhiên, giới khoa học chỉ ra rằng sừng tê giác được tạo nên bởi chất sừng giống như móng tay người và không hề có tác dụng chữa bệnh.
Chính phủ Nam Phi cho rằng số tê giác bị giết tăng trong năm 2011 do các tập đoàn tội phạm quốc tế xâm nhập vào Nam Phi để săn tê giác, sau đó vận chuyển sừng của chúng tới châu Á.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét