Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Thế giới kiểm soát dân số bằng cách nào?

Thế giới kiểm soát dân số bằng cách nào?

Chính sách một con của Trung Quốc liệu có phải là ý tưởng hay để kìm hãm đà tăng dân số trên phạm vi toàn cầu, một chuyên gia hàng đầu thế giới về nhân khẩu đặt vấn đề.

Chính sách một con tại Trung Quốc giúp nước này giảm được hàng trăm triệu người trong dân số. Ảnh: upi.com.
Liên Hợp Quốc tuyên bố dân số thế giới đạt 7 tỷ vào ngày 31/10 và nhiều nghiên cứu cho thấy con số đó có thể tăng tới 10 tỷ trong thế kỷ tới. Trên một phương diện nào đó, chúng ta có thể mức dân số ấy là thành công vĩ đại, bởi số lượng của một loài bất kỳ trên trái đất càng lớn thì khả năng phát triển và bành trướng của loài càng cao.
Nhưng mặt khác sự gia tăng dân số cũng gây nên nhiều vấn đề. Số người trên trái đất càng nhiều thì thức ăn, không gian và năng lượng mà chúng ta cần càng lớn. Một bộ phận giới khoa học lo ngại rằng, nhu cầu của 7 tỷ người quá lớn đối với khả năng đáp ứng của trái đất.
Vậy chúng ta có thể kìm hãm đà phát triển dân số bằng cách nào? Chính sách một con của Trung Quốc có phải là một giải pháp đáng xem xét hay không?
Theo Livescience, trên phương diện giảm số dân, chính sách một con của Trung Quốc – bắt đầu từ năm 1979 – là một biện pháp thành công. Giới chức Trung Quốc khẳng định nó làm giảm 250 tới 300 triệu người.
Nhưng thành công này đi kèm với cái giá khá đắt. Số trường hợp phá thai và triệt sản tại Trung Quốc tăng vọt kể từ khi bắt đầu chính sách này. Do tâm lý chuộng con trai của người dân, nhiều cặp vợ chồng sẵn sàng phá thai nữ. Tình trạng này bóp méo tỷ lệ nam-nữ khiến nam giới trở nên nhiều hơn nữ giới. Hậu quả là hiện nay hàng triệu nam giới không thể tìm được vợ. Trên phương diện xã hội, sự dư thừa nam giới dẫn đến khiến tình trạng bắt cóc và buôn bán phụ nữ để phục vụ nhu cầu lấy vợ của đàn ông Trung Quốc tăng lên.
“Tôi không nghĩ chính sách một con là ý tưởng hay. Việc mỗi phụ nữ chỉ sinh một con, bởi điều đó có thể dẫn tới tình trạng dân số già như Nhật Bản hiện nay”, John Bongaarts, phó chủ tịch Hội đồng Dân số tại Mỹ, phát biểu. Hội đồng Dân số là một tổ chức phi chính phủ và hoạt động trên phạm vi toàn cầu.
Số con trung bình của mỗi phụ nữ trên hành tinh hiện nay là 2,5. Với con số này, dân số thế giới có thể tăng. Tuy nhiên, mức tăng không đồng đều trên toàn thế giới. Chẳng hạn, tỷ lệ sinh tại Nhật Bản và châu Âu đang ở mức rất thấp – mỗi phụ nữ chỉ sinh trung bình từ 1,4 tới 1,6 con.
Vấn đề nan giải tại các nước có tỷ lệ sinh thấp là số người già nhiều hơn số người trẻ, nghĩa là bộ phận dân số trẻ sẽ phải chịu gánh nặng khổng lồ trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ người già. Nhật Bản đang chống chọi với tình trạng dân số già và Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với vấn đề tương tự trong vòng một thập kỷ nữa, Bongaarts nói. Nếu trung bình mỗi phụ nữ chỉnh sinh một con, nền kinh tế và xã hội trên toàn cầu sẽ trở nên mất cân bằng.
“Nhân khẩu không phải là vòi nước. Sinh ít hay nhiều không giống như việc vặn hay tắt vòi. Một khi tỷ lệ sinh lao dốc, chúng ta sẽ gặp vô vàn khó khăn để phục hồi nó”, George Leeson, nhà nhân khẩu học của Viện Lão hóa Dân số Oxford tại Anh, bình luận.
Bongaarts cho rằng thay vì áp dụng chính sách một con, các chính phủ có thể phối hợp đồng thời ba biện pháp khác để giảm tỷ lệ sinh tới mức bền vững. Thứ nhất, chính phủ nên tuyên truyền rộng rãi các biện pháp ngừa thai đối với phụ nữ. Giáo dục là biện pháp thứ hai. Nhà nước nên xây nhiều trường học và ngăn chặn tình trạng bỏ học của nữ sinh, bởi học vấn của phụ nữ càng cao thì số con mà họ sinh càng thấp. Cuối cùng, chính phủ nên tìm cách ngăn chặn hiện tượng sinh con quá sớm ở phụ nữ. Một trong những cách để làm việc đó là giới hạn lựa chọn kinh tế và xã hội của phụ nữ nếu họ sinh con quá sớm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét